Hướng dẫn đầy đủ về Google Business cho các khách sạn

Google Business thiết yếu, quan trọng trong chiến lược marketing của khách sạn. Chúng giúp tăng nhận diện, trả lời những câu hỏi còn thiếu, và thu hút nhiều lượt bán phòng trực tuyến hơn.

Tổng quan về Google Business cho khách sạn

Google Business là gì?

Google Business là một danh thiếp trực tuyến, nơi tóm tắt và trình bày những thông tin quan trọng nhất khách sạn trên Google. Với Google Business, khách sạn có thể cập nhật và hiển thị các thông tin về:

  • Thông tin cơ bản, như tên, địa chỉ, số điện thoại và đánh dấu vị trí chính xác trên bản đồ.
  • Hình ảnh về tất cả mọi thứ đang có tại khách sạn.
  • Giá phòng, dịch vụ và các điều chỉnh về chính sách.
  • Liên kết với các kênh bán phòng trực tuyến đang có, tự động hiển thị giá theo thời gian thực.
  • Nút điều hướng dẫn đến trang đích như liên kết đặt phòng, website khách sạn, hay kênh bán phòng…

Google My Business miễn phí đăng ký và quản lý, vận hành. Sau khi xác thực thành công, khách sạn của bạn sẽ hiển thị trên kết quả tìm kiếm và bản đồ của Google thông qua một module thông tin trên Google Maps và Google Search, trong hình minh hoạt bên dưới lần lượt là màu đỏ và màu xanh.

huong-dan-day-du-ve-google-my-business-cho-khach-san-cua-ban

Minh họa về Google Business trên Google Maps và Search.

Vì hiển thị theo từ khóa mà người dùng truy vấn, thì cũng đồng nghĩa rằng: chúng tác động tích cực đến việc tối ưu kết quả tìm kiếm (SEO) cho khách sạn, giúp khách hàng tiềm năng dễ dàng nhìn thấy và tương tác với khách sạn của bạn hơn.

Nếu Free Booking LinkGoogle Hotel Ads cung cấp thông tin phòng, thì Google My Business lại giúp người dùng hình dung tổng quát, và có thêm thông tin về khách sạn. Theo một nghiên cứu, Google My Business giúp khách sạn tăng thêm 50% lưu lượng truy cập vào trang đích. Tóm lại, giúp khách sạn tăng cơ hội bán phòng trực tiếp.

Google My Business hữu ích như thế nào với các khách sạn?

Lợi ích rõ thấy nhất của Google Business là tăng lưu lượng truy cập vào nút hành động, như cuộc gọi, website chính thức, kênh bán phòng… Với một lượng truy cập lớn hơn, sẽ có nhiều lượt đặt phòng trực tiếp đổ về cho khách sạn.

Lợi ích thứ hai là định vị, tạo ra kênh thông tin chính thức trong quá trình người dùng tìm kiếm trên mạng. Song song với Google Business, ta còn có thêm Places on Maps (Apple), Bing Places for Business (Microsoft)… cũng đều cách hoạt động tương tự, khi hiển thị các doanh nghiệp trên công cụ tìm kiếm, bản đồ trực tuyến của các nền tảng. Chúng sẽ giúp khách sạn cải thiện và tăng nhận diện thương hiệu, còn khách hàng biết đâu là kênh chính thức để tra cứu và liên lạc khi cần.

Lợi ích thứ ba là tạo kết nối và tương tác với khách hàng, khi giúp họ đánh giá trải nghiệm, cập nhật hình ảnh và đặt câu hỏi về khách sạn. Với một nội dung phong phú và đa chiều hơn, khách sạn cũng sẽ trở nên đáng tin cậy trong mắt mọi người.

Cách đưa khách sạn lên Google Business

Đăng ký hồ sơ Google Business

Để đăng ký Google Business, hãy làm theo các bước sau:

  • Mở trình quản lý hồ sơ Google Business.
  • Chọn Quản lý ngay và đăng nhập bằng tài khoản Google.
  • Nhập tên khách sạn và bấm vào Tiếp theo.
  • Nhập địa chỉ khách sạn và bấm vào Tiếp theo.
  • Trong Danh mục kinh doanh, chọn mục phù hợp với khách sạn và bấm vào Tiếp theo.
  • Nhập số điện thoại, link trang đích (website khách sạn, liên kết đặt phòng…) và bấm vào Tiếp theo.
  • Tùy chọn xác minh để xác nhận đây là khách sạn của bạn.

Lưu ý: Khi thiết lập, bạn nên là người được ủy quyền quản lý, hoặc có thể tiếp cận các công cụ xác minh. Nếu bạn không thể, hay giao việc xác minh có người đó.

huong-dan-day-du-ve-google-my-business-cho-khach-san-cua-ban

Trình tự đăng ký khách sạn lên Google My Business.

Xác minh hồ sơ Google Business vừa đăng ký

Sau khi tạo thành công Google Business cho khách sạn, chúng sẽ chưa hiển thị ngay lập tức, bạn cần xác minh rằng có khách sạn này có thật và bạn được cấp quyền quản lý chúng. Có rất nhiều phương pháp xác minh Google Business cho khách sạn, chia làm 3 hình thức:

  • Cung cấp mã OTP: Thông qua bưu thiếp, cuộc gọi, SMS hay email… khách sạn sẽ nhận được một mã OTP, chỉ cần nhập đúng thì sẽ xác thực thành công.
  • Quay video chứng minh: Khách sạn cần quay các đoạn video chứng minh vị trí hiện tại, quyền quản lý và hoạt động hiện tại của khách sạn để xác thực.
  • Video call chứng minh: Đại diện từ Google sẽ yêu cầu cuộc gọi video để xác minh với nội dung tương tự như trên và kèm thêm tương tác trực tiếp với khách sạn.

huong-dan-day-du-ve-google-my-business-cho-khach-san-cua-ban

Trình tự xác minh khách sạn sau khi đăng ký lên Google Business.

Trong các cách trên, phổ biến nhất là nhập mã OTP từ SMS, hoặc cuộc gọi, giúp khách sạn xác minh nhanh chóng. Còn tốn thời gian, không hiệu quả nhất là nhập OTP từ bưu thiếp, bởi đa số không khả dụng tại Việt Nam. Nếu rơi vào trường hợp đó, hãy yêu cầu phương pháp xác minh khác để được hỗ trợ tốt nhất.

Ngoài ra, nếu website khách sạn được xác minh bằng Google Search Console, thì Google Business của khách sạn cũng sẽ được xác minh ngay lập tức, nhưng điều này hiếm khi xảy ra và cũng tương đối phức tạp. Cho nên, hãy tận dụng các phương pháp hiện có để xác minh và giúp khách sạn hiển thị sớm hơn trên Google.

Xác nhận, yêu cầu cấp quyền quản lý hồ sơ Google Business đã có

Nếu khách sạn của bạn đã xuất hiện trên Google, nhưng không do khách sạn quản lý, bạn có thể yêu cầu quyền sở hữu chúng. Trường hợp này xảy ra chủ yếu bởi 3 nguyên nhân:

  • Chủ, quản lý cũ đã xác minh và chưa trao quyền.
  • Một nhân viên, hoặc người khác trong khách sạn đã xác minh và bạn không biết.
  • Một người khác không phải trong khách sạn đã xác minh.

Bạn có thể tìm hiểu đâu là nguyên nhân chính xác, nếu là từ nhân viên hoặc quản lý cũ thì bạn có thể yêu cầu họ phân quyền, cấp quyền để quản lý. Còn nếu do một bên khác đảm nhận, bạn có thể tranh chấp quyền sở hữu thông qua Google. Nếu không thực hiện, Google Business của khách sạn có nguy cơ lỗi thời, cung cấp sai thông tin hoặc điều hướng truy cập website không chính chủ.

Để tranh chấp quyền sở hữu Google Business, hãy thực hiện trình tự như sau:

  • Nếu đang ở Google Search, bấm vào Bạn sở hữu doanh nghiệp này? ở cuối module thông tin. Nếu đang ở Google Maps, cũng trong module thông tin, bấm vào Xác nhận doanh nghiệp này. Trong hình minh họa bên dưới, lần lượt là phần màu cam, và màu đỏ.
  • Nếu Google Business này đã được cấp quyền, bạn sẽ thấy email quản lý được viết dưới dạng: xx…@domanin.com. Bấm vào Yêu cầu truy cập để sang bước tiếp theo.
  • Chọn quyền quản lý, vai trò, email và số điện thoại để người quản lý hiện tại xác minh và ra quyết định.
  • Nếu người quản lý đồng ý, bạn sẽ được cấp quyền quản lý đã yêu cầu ngay lập tức.
  • Nếu sau 3 ngày không được trả lời, bạn có thể kiểm soát quyền quản lý bằng cách xác minh với các hình thức được nêu ở phần trên.
  • Nếu người quản lý từ chối hoặc bạn không thể xác minh, bạn cần thực hiện lại hoặc liên hệ Google để hỗ trợ.

huong-dan-day-du-ve-google-my-business-cho-khach-san-cua-ban

Trình tự tranh chấp quyền sở hữu Google Business.

Sau khi xác nhận quyền sở hữu mới, bạn phải đợi 7 ngày để quản lý và sử dụng tất cả tính năng. Trong thời gian đó, hãy tránh làm các việc sau:

  • Xóa hoặc phục hồi một Google Business khác.
  • Xóa quyền sở hữu, quản lý của người khác khỏi hồ sơ Google Business hiện tại.
  • Chuyển quyền sở hữu chính cho người khác.

Cho nên, nếu bạn đang nhờ bên thứ ba can thiệp để lấy lại quyền sở hữu Google Business của khách sạn, hãy kiên nhẫn đợi thêm 7 ngày sau khi thành công để hoàn tất thủ tục cấp quyền.

Gợi ý sử dụng Google Business một cách hiệu quả nhất

Cung cấp thông tin chi tiết

Để hồ sơ khách sạn có thể dễ dàng tìm thấy và đem lại hiệu quả như mong muốn, bên cạnh việc khơi gợi sự quan tâm của người dùng, các thông tin dưới đây là bắt buộc:

  • Địa chỉ, tọa độ: Địa chỉ giúp khách hàng tìm đường, tọa độ giúp họ xác định vị trí chính xác. Hãy xác nhận rằng 2 thông tin đó khớp nhau, và cùng thể hiện đúng vị trí của khách sạn, đừng để họ đi sai chỗ vì bạn quên kiểm tra những thông tin này.
  • Thông tin liên lạc: Chúng rất quan trọng, giúp khách hàng kết nối với khách sạn. Hãy cung cấp những tùy chọn liên lạc phổ biến như là số điện thoại, fanpage, hay thậm chí là email để họ có thể dễ dàng liên hệ mỗi khi cần, ví dụ như cần chỉ đường, hay đặt phòng ngay.
  • Cơ sở vật chất: Không cần mô tả chi tiết, nhưng hãy cho khách hàng biết khách sạn có những tiện nghi nào, ví dụ bãi đậu xe, café sân vườn hay cụ thể hơn như bình nóng lạnh, điều hòa…
  • Dịch vụ: Tương tự như trên, cũng không cần mô tả chi tiết nhưng hãy liệt kê cơ bản để khách hàng biết và hỏi thêm thông tin nếu cần. Một số dịch vụ cực kỳ hữu ích và khách sạn nên cập nhật (nếu có) như là: đưa đón sân bay, thuê xe, dịch vụ phòng…
  • Thời gian nhận và trả phòng: Trên các trang bán phòng, hoặc website khách sạn thì những thông tin này đều được thể hiện. Nhưng sẽ không thừa thãi nếu trên Google My Business cũng có, để khách hàng trong quá trình tham khảo sẽ biết đây có thời gian checkin checkout phù hợp với lịch trình của mình hay không.
  • Điểm nổi bật: Cũng tương tự như trên, những gì hấp dẫn, nổi bật của khách sạn nên được thể hiện ra Google My Business để khách hàng trong quá trình tìm kiếm sẽ xác định đây có phải chỗ lưu trú phù hợp với họ không.

Luôn cập nhật thông tin

Cập nhật thông tin không chỉ đơn giản là hình ảnh và giá phòng, mà chúng còn là giờ mở cửa, dịch vụ hay các chính sách mới.

Nếu có một sự thay đổi đáng kể, hãy ngay lập tức cập nhật, chúng không mất quá nhiều thời gian, nhưng sẽ giúp mọi thông tin về khách sạn được nhất quán, tránh rủi ro hay các phản ứng không tích cực từ khách hàng, vì chênh lệch giá phòng giữa Google Business và thực tế.

Việc cập nhật thông tin cũng giúp tăng khả năng hiển thị Google Business, và cho khách hàng thấy rằng khách sạn đang hoạt động tích cực. Việc thường xuyên cập nhật cũng bao gồm: phản hồi các đánh giá, trả lời câu hỏi, tải lên các hình ảnh mới nhất…

Và cũng đừng quên tính năng Nhắn tin trên Google Business, nhiều người nghĩ rằng chúng không cần thiết bởi đã có quá nhiều kênh liên lạc. Nhưng sự tồn tại của chúng không phải ngẫu nhiên, giúp du khách nhanh chóng đặt câu hỏi, và nhận được phản hồi ngay lập tức, làm tăng cơ hội đặt phòng trực tiếp cho khách sạn của bạn. Để kích hoạt tính năng này, từ trình quản lý Google Business, bạn chọn Messages, tiếp theo chọn Share profile để bật tính năng tin nhắn.

huong-dan-day-du-ve-google-my-business-cho-khach-san-cua-ban

Bật tùy chọn nhắn tin, sẽ làm tăng cơ hội đặt phòng trực tiếp cho khách sạn của bạn.

Thêm hình ảnh, video

Đôi khi, khách hàng không bị hấp dẫn về giá phòng khách sạn, mà lại bị hấp dẫn bởi những tấm hình minh hoạt chất lượng, bởi chúng cho thấy giá trị thật sự của căn phòng, cũng như tính chân thật trong lời giới thiệu của khách sạn. Đó là một trong những lý do mà hình ảnh là điều cần thiết và nên có với mỗi hồ sơ khách sạn, bên cạnh việc thu hút nhiều lượt xem và nhấp chuột hơn, từ đó làm tăng lượt đặt phòng cho khách sạn hơn.

Ngoài nguồn ảnh chính chủ do khách sạn đăng tải, khách hàng cũng đều có thể đăng hình họ đã chụp về khách sạn. Chúng sẽ làm tăng thêm tính phong phú cho nội dung, và cũng đặt ra thách thức là không thể kiểm soát chất lượng, và tính chính xác. Nhưng dù thế, cũng đừng ngần ngại khuyến khích mọi người cập nhật hình ảnh mà họ chụp về khách sạn lên Google My Business, chúng sẽ khiến mọi thứ trở nên khách quan và chân thực hơn. Và người dùng ngày nay cần điều ấy rất nhiều.

Cập nhật biện pháp phòng dịch

Khi Covid vẫn chưa được kiểm soát một cách triệt để, và trong tương lai vẫn có thể sẽ có nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm khác, thì việc cập nhật các biện pháp, chính sách phòng dịch là điều cần thiết và chưa bao giờ lỗi thời. Việc cập nhật biện pháp, chính sách phòng dịch đem lại lợi ích ở cả 2 phía, khách sạn và khách hàng. Khi khách sạn sẽ trở nên an toàn và chuyên nghiệp, còn khách hàng biết được những quy định để lựa chọn và ứng xử cho phù hợp.

Hãy trả lời các câu hỏi liên quan đến biện pháp phòng dịch, như là:

  • Khách sạn có những quy tắc phòng dịch nào?
  • Khách sạn làm gì để đảm bảo an toàn cho khách hàng và nhân viên?
  • Khách hàng có thể chứng minh đã tiêm chủng, âm tính… như thế nào?

Các thông tin khi trình bày nên cô đọng, tập trung vào vấn đề, giúp người đọc nắm được thông tin ngay lập tức và cho thấy khách sạn nghiêm túc với vấn đề này như thế nào.

Theo dõi, trả lời các câu hỏi

Khi có những thắc mắc và cần được giải đáp, mọi người sẽ đặt câu hỏi ở trong phần Câu hỏi thường gặp. Khi muốn chia sẻ trải nghiệm, phần đánh giá là nơi mọi người sẽ dành thời gian. Nhiệm vụ của bạn, đó là phải trả lời hết tất cả, dù những câu hỏi vu vơ tầm phào, đánh giá tích cực hay tiêu cực, không được bỏ sót câu nào, bởi chúng cho thấy bạn quan tâm đến vấn đề, trải nghiệm của khách hàng như thế nào. Khi được chăm chút và đầu tư, chúng sẽ trở thành phổ biến và là nơi có giá trị để thu hút khách hàng mới.

Phân tích các chỉ số

Google Business cung cấp nhiều thông tin thú vị, giúp bạn tối ưu hồ sơ khách sạn, cũng như hỗ trợ cho các chiến lược Marketing sau này. Thông qua mục Insight, bạn sẽ có câu trả lời cho các câu hỏi sau:

  • Từ khóa được người dùng sử dụng để tìm đến khách sạn là gì?
  • Lượt xem trang đến từ Search và Maps?
  • Hành vi của người dùng trên hồ sơ khách sạn là gì? Gọi điện, click vào trang đích, xem chỉ đường…?
  • Lượt xem ảnh giữa khách sạn và các đối thủ là như thế nào?

Tất nhiên, những điều này muốn thành công thì cần mọi thứ mà bạn cung cấp trên Google My Business là chỉnh chu, ổn nhất có thể. Bởi chỉ cần một vài sự sơ sài, sai sót không đáng có, thì mọi kỳ vọng bạn đang hướng đến sẽ đều là ảo vọng, không thể nào hiện thực.

Tóm lại, Google Business là một chiến lược Marketing giá rẻ, hiệu quả cho khách sạn, khi chúng không chỉ miễn phí, lại dễ thực hiện, mà còn đem lại hiệu quả cao. Cho nên, nếu khách sạn cần hiện diện nhiều hơn trên mạng, đừng bỏ qua Google Business, cũng như khai thác tối đa sức mạnh để nâng cao hiệu quả kinh doanh cho khách sạn.

Bạn đã sẵn sàng để trải nghiệm hệ thống quản lý khách sạn toàn diện ? Đăng ký ngay hôm nay để nhận ưu đãi !